Thức ăn tác động tới bộ não chúng ta như thế nào?

Thức ăn tác động tới bộ não chúng ta như thế nào?

Tưởng ăn cho sướng cái bụng mà hoá ra lại ảnh hưởng tới não. 
 
Bộ não chúng ta như một chiếc xe cần xăng, dầu, nhớt và nhiều nguyên liệu khác để có thể vận hành trơn tru vậy. Thế nhưng bạn có biết rằng, dù chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng bộ não của chúng ta lại sử dụng tới ⅕ tổng năng lượng cơ thể nạp vào mỗi ngày. Đó là bởi bộ não chính là cơ quan chi phối mọi hoạt động tất yếu của chúng ta, từ học tập, ghi nhớ cho tới điều hành sức khoẻ tinh thần. Trên thực tế, mỗi thành phần dinh dưỡng lại có ảnh hưởng riêng tới từng chức năng, sự phát triển, tâm trạng, và năng lượng. Vậy những thành phần dinh dưỡng đó là gì, hãy cùng Monsieur Luxe tìm hiểu nhé!
 

1. Chất béo 

Không phải chất béo nào cũng đều có hại. Ngược lại, một số chất béo đóng vai trò không thể thiếu trong việc đảm bảo não bộ được hoạt động bình thường. Trong số đó phải kể đến Omega 3 và Omega 6 - những axit béo quan trọng tham gia vào quá trình cấu tạo và bảo vệ màng tế bào giúp ngăn ngừa tình trạng thoái hoá não. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các loại chất béo khác như chất béo chuyển hoá hay chất béo bão hòa sẽ làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, gây hại tới sức khoẻ về lâu dài. 
Thực phẩm giàu chất béo tốt: các loại hạt dinh dưỡng, mỡ cá, dầu dừa, bơ, phô mai, dầu olive 
 

2. Chất đạm và axit amin 

Là chất liệu dinh dưỡng hỗ trợ quá trình phát triển, điều hành cảm xúc và hành vi của chúng ta. Axit amin từ chất đạm hoạt động như một chất truyền tín hiệu qua các neuron thần kinh, tác động trực tiếp tới giấc ngủ, cân nặng, tâm trạng, khả năng tập trung và chức năng miễn dịch. Đó là lí do vì sao chúng ta thường cảm thấy buồn ngủ sau khi ních đầy dạ dày bằng một bữa ăn thịnh soạn. Sự kết hợp của các loại thức ăn có thể thúc đẩy các tế bào não giải phóng các hormone giúp điều chỉnh tâm trạng như dopamine, norepinephrine và serotonin. 
Thực phẩm giàu axit amin thiết yếu: ngũ cốc, các loại hạt và đậu, trứng, rau, nấm, cá, thịt nạc 
 

3. Vi chất dinh dưỡng 

Tuy nhiên con đường dẫn tới tế bào não không dễ dàng, vậy nên một chế độ ăn đa dạng có thể đảm bảo cân bằng giữa các tín hiệu dẫn truyền trong não cũng như cảm xúc của bạn. Giống như các cơ quan khác trong cơ thể, não bộ chúng ta cũng cần cung cấp một lượng vi chất dinh dưỡng ổn định. Chất chống oxy hoá trong rau củ và trái cây giúp tăng cường não bộ nhằm đẩy lùi các gốc tự do có thể phá huỷ tế bào não, cho phép não bộ duy trì chất lượng hoạt động lâu dài hơn. Và nếu không có những vi chất dinh dưỡng mạnh mẽ như vitamin B6, B12 hay axit folic, bạn cũng sẽ dễ mắc các chứng bệnh về não bộ cũng như suy giảm tinh thần. Các loại khoáng chất vi lượng cũng là những nguyên liệu cực kỳ quan trọng cho quá trình chuyển hoá và tổng hợp chất trong cơ thể. 
Thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng: rau củ, quả mọng, các loại hạt và đậu, cá, sữa, sản phẩm từ lúa mì 
 

4. Carbohydrate 

Hầu hết năng lượng não sử dụng đến từ lượng carbohydrate cơ thể hấp thụ được chuyển hoá thành đường glucose hoặc đường huyết. Thuỳ trán chúng ta rất nhạy cảm với sự sụt giảm lượng đường glucose, thế nên bất cứ thay đổi nào về chức năng thần kinh chính là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu hiện tượng thiếu dinh dưỡng của cơ thể. Carbohydrate bao gồm tinh bột, đường và chất xơ, giúp cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể và não bộ. Những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh mì trắng sẽ khiến glucose trong máu giải phóng nhanh đột biến, dẫn tới sự sụt giảm đường huyết cũng như khả năng tập trung và tâm trạng. Mặt khác, ngũ cốc, yến mạch và các loại đậu giải phóng glucose chậm hơn, giúp chúng ta có khả năng tập trung ổn định hơn. 
Thực phẩm giàu carbohydrate có lợi: diêm mạch, yến mạch, kiều mạch, chuối, cam, khoai lang, táo, bưởi
 

Tạm kết

Việc lựa chọn một chế độ ăn đa dạng với những thực phẩm giàu dinh dưỡng là mấu chốt giúp duy trì sức mạnh não bộ. Mọi quyết định của bạn liên quan tới những gì bạn cắn, nhai và nuốt cũng đều có tác động trực tiếp và lâu dài tới cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, thế nên hãy chuẩn bị cho mình những kiến thức thật vững chắc để đảm bảo một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc nhé!